Daniel Nguyen

Daniel va J.T Sundling



WESTMINSTER - Những ngày cậu bé Daniel Nguyễn theo chân mẹ, là bà Cindy Nguyễn, ra sân loay hoay với chiếc vợt tennis lần đầu tiên, cả hai không thể ngờ rằng, sau này Daniel sẽ trở thành đấu thủ tennis được đi tranh tài tại giải Hoa Kỳ Mở Rộng, U.S. Open.

Mới đó mà đã 15 năm!

Daniel hội đủ điều kiện tham dự giải Hoa Kỳ Mở Rộng, U.S. Open, sau khi đoạt giải đôi nam lứa tuổi 18 cùng đồng đội J.T. Sundling, trong cuộc thi tài cách đây hơn một tuần lễ, ở Kalamazoo, Michigan.

Trước đó, cặp đôi Daniel - J.T. đã đoạt giải đôi nam lứa tuổi 16; và cả hai đều được xem như những đấu thủ trẻ đầy triển vọng.

Daniel từng là “cao thủ” của trung học Santa Barbara, và từng được báo Santa Barbara News Press trao danh hiệu “đấu thủ tennis trong năm” hồi 2008.

Bước chân vào đại học, trong mùa tennis đầu tiên tại USC (University of Southern California), Daniel thắng liên tiếp tám lần, rồi đoạt luôn giải vô địch đơn nam tại UC Irvine Pre-Regional.

Chưa hết, tại ITA Regional, Daniel lọt vào đến vòng thứ 64!

Nói với phóng viên Người Việt, Daniel cho biết em “hãnh diện được tham dự giải US Open.” Cả gia đình rất vui, còn Daniel thì “hồi hộp chứ không lo lắng.”

Sáu mươi bốn đôi nam sẽ thư hùng trong giải U.S. Open. Chắc hẳn, 128 cao thủ tennis đều gia công tập dượt. Daniel và bạn đồng đội J.T. cũng vậy, “ráo riết tập dợt” và chờ kết quả bốc thăm xem ai sẽ là đối thủ đầu tiên của mình.

Daniel Nguyễn, trong một cách nói nào đó, đã tạo lập một kỷ lục: trở thành người Việt Nam đầu tiên thư hùng tại giải quần vợt US Open.

Daniel Nguyễn, năm nay 19 tuổi, sinh tại Long Beach, sẽ vào học năm thứ hai đại học ngành quản trị kinh doanh tại đại học đường USC. Em tâm sự, “đã mê tennis từ nhỏ,” và từ lúc 10 tuổi đã biết “đời mình rồi sẽ dính liền với tennis.”

Daniel đến với tennis là nhờ mẹ, “Mẹ là người mua cho em cây vợt đầu tiên!” Và những thành tựu hôm nay luôn là món quà tặng mẹ.

Thân phụ của Daniel, ông Tiến Nguyễn, kể với Người Việt, rằng vợ ông rất yêu thích môn tennis. “Quần vợt là một sinh hoạt bình thường của gia đình.” Ông đề cao người bạn đời Cindy, rằng “nhờ nhà tôi mà cả ba anh em của Daniel đều đánh tennis rất khá!”

Bà Cindy rất chú tâm đến việc phát triển tài năng của các con. Bà tự đi tìm những huấn luyện viên thật giỏi. Daniel còn được cha mẹ gởi hẳn sang Tây Ban Nha trong hai mùa Hè liên tiếp để tập luyện. Và hiển nhiên, mọi tài năng đều phát triển qua nỗ lực và cả khả năng thiên phú. Ông Tiến quan niệm, “Thành công của Daniel đến từ bản thân cháu. Chúng tôi chỉ hỗ trợ.”

Thân mẫu Daniel thành thật, rằng bà “chơi tennis không giỏi, nhưng rất say mê.” Bà kể, về kỷ niệm đầu tiên của Daniel với môn thể thao này, “Tôi cho cháu ra sân lúc cháu mới bốn tuổi.” Hôm đó, Daniel rất “í ẹ,” hầu như không đỡ được banh, “Ðưa cho 10 trái thì may ra Daniel mới đánh được một.”

Nhưng, điều quan trọng là sự kiên tâm và khích lệ từ người mẹ. Cậu bé Daniel “10 quả mới đánh được được một,” nay trở thành một cao thủ thư hùng tại U.S. Open.

Huấn luyện viên của Daniel và J.T., ông Zibu, cho rằng cặp đôi này có nhiều triển vọng trong cuộc tranh tài tại US Open năm nay, vì “hai người chơi rất hợp.” Tuy hạn chế về thể hình so với các đấu thủ Hoa Kỳ, những chương trình huấn luyện rất nặng tại Tây Ban Nha đã cho Daniel nhiều thuận lợi. Huấn luyện viên Zibu nhận xét, học trò ông “có lợi thế trong các thao tác của chân,” có lối đánh “vừa tấn công vừa tự vệ rất hiệu quả.”

Daniel, cao 5'10” (1m78), có lối đánh “từ cuối sân đánh lên,” có thể đối đầu hữu hiệu với chiến thuật “ào ạt tấn công” của các đối thủ to con hơn.

Huấn luyện viên Zibusiso Ncube, tên tắt là Zibu, người Zimbawe, nói với Người Việt, rằng điều đầu tiên khiến ông đặc biệt chú ý đến Daniel là khả năng “phối hợp lạ lùng giữa tay và mắt.” Người học trò của thầy Zibu được đánh giá là “năng động, dẻo dai, tự tin” trên trường đấu, nhưng lại “rất khiêm tốn, dễ mến” ngoài đời thường.

Hai thầy trò tình cờ gặp nhau năm 2004. Ông Zibu mến trò Daniel, nhận lời huấn luyện, rồi mang luôn cậu bé đi dự hai khóa huấn luyện mùa Hè tại Tây Ban Nha cùng ba tay vợt tennis khác.

Cũng không thể không nhắc đến người thầy đầu tiên, khi Daniel vừa tròn sáu tuổi. Bà Cindy kể lại, lúc ấy con trai đứng còn thấp hơn lưới, và cơ thể còn nhỏ hơn cây vợt. Huấn luyện viên Craig Heinberg than vãn với bà Cindy, “Bà chọc quê tôi hay sao vậy! Thằng nhóc còn nhỏ quá.”

Rồi cậu bé đánh thử vài đường. Chỉ vài đường thôi, ông thầy Craig sửng sốt, “Thắng bé có khả năng ‘phối hợp lạ lùng giữa tay và mắt.’”

Daniel được thâu nhận ngay, chẳng phải trả chút thù lao nào.

“Nhưng huấn luyện viên Craig Heiberg đối với em là quan trọng hơn cả, vì ông đã uốn nắn em ngay từ lúc còn nhỏ.” Daniel tâm sự.

Daniel Nguyễn và J.T. quen nhau từ lúc tám tuổi. Cả hai chỉ thỉnh thoảng tập dợt với nhau, cho đến khi họ bắt đầu đánh đôi cách đây ba năm.

Sau khi cùng đoạt giải đôi nam lứa tuổi 16, cả hai luyện đánh đôi nhiều hơn. Chàng trai gốc Việt đầu tiên tranh tài tại US Open nhận định, đánh đôi, điều quan trọng là “biết cách hỗ trợ nhau trên sân.” Nếu cả hai lại là “bạn thân thiết với nhau, thì rất tuyệt!”

Hiện nay, mỗi ngày Daniel luyện tập ba tiếng đồng hồ, chưa kể thời gian “dợt” chung với J.T., để chuẩn bị cho US Open.

Daniel tâm sự, rằng trước mắt chỉ có “học, tennis, và tennis, học.” Vào mùa tựu trường, thời gian sẽ trở nên căng thẳng hơn.

Chàng trai kể lại chuyện ngày xưa, cũng là lời gởi gắm cho các bạn yêu thích tennis, “Ðiều quan trọng không phải là thể hình cao lớn. Ðiều quan trọng là ý chí! Nếu bạn muốn trở thành một tay vợt giỏi, hãy tin vào điều ấy, và tập trung tất cả những gì bạn có cho môn thể thao này.”

Daniel có hai anh trai, Khải và Thiện, cũng giỏi tennis nhưng không đi vào con đường chuyên nghiệp.

No comments:

Post a Comment

free counters